Cuộc sống của người miền Tây trong mùa nước nổi

19.05.2021
249 Lượt xem

Mỗi mùa nước nổi về, hàng vạn hộ dân nghèo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ lại được dịp làm ăn trên con nước mênh mông. Họ chuẩn bị đồ nghề từ hơn một tháng trước đó, chờ nước, chờ cá. Họ chờ như trẻ con chờ đợi mẹ đi chợ về. Mùa nước nổi, mang lại nguồn cá dồi dào và nhiều sản vật, những món quà của mùa lũ nơi đây.

Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm ở mênh mang những cánh đồng Long An, Đồng Tháp, An Giang… và thấy sự run rẩy hồi hộp trong những nếp nhà, ngôi bếp. Các cụ xưa có kinh nghiệm, đi kiểm tra đời sống người dân cứ nhìn vào “má con nít, đít con trâu” là đoán ra đời sống của người dân no hay đói, không cần nhìn vào những bản báo cáo khô cứng được tô vẽ thêm thành tích.

Vâng. Người dân vùng “quê em mùa nước lũ” đã không còn nghèo như xưa, nhưng vẫn còn nhiều lắm những mái nhà tranh tạm bợ. Cuộc sống người dân còn khó khăn. Mỗi năm, nếu tháng nước nổi không cho nhiều sản vật cá tôm, thì hẳn những chú trâu, những đôi má trẻ con chẳng thể nào no căng cho được.

Người dân nơi đây có cuộc sống thật đặc biệt, có lẽ hiếm có nơi nào mỗi gia đình sắm hai loại phương tiện: xe máy vào mùa khô, ghe thuyền, ca nô vào mùa nước nổi. Một trong những điển hình là huyện Châu Phú (tỉnh An Giang). Cách đây hai năm, chúng tôi đến xã Ô Long Vĩ, trên cánh đồng Láng Linh, niềm vui thật sự hiện rõ trên khuôn mặt người dân.

Người lớn thì làm lưới, đặt trúm, trẻ em cũng lăng xăng đóng góp sức mình vào cuộc sống đầy giản dị nhưng cũng rất hào phóng này.

Mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11 âm lịch. Cả vùng gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, An Giang… dường như được đánh thức bởi muôn ngàn sinh kế của người dân. Năm nào “lũ nghèo”, tức ít cá thì người dân buồn lắm, đứng ngồi không yên. Còn bình thường, nếu được mùa, cá bán được giá, lên tới hơn 100 nghìn/kg, nhiều hộ kiếm được cả trăm triệu đồng.

Ở mảnh đất này, quang cảnh khiến chúng tôi “đã mắt” là được tận mắt ngắm nhìn những đồng bãi bạt ngàn bông điên điển và những kênh rạch dọc ngang tấp nập xuồng ghe khai thác cá linh. Những bức ảnh là đời thường cảnh đồng quê, cuộc sống mưu sinh của người dân nghèo. hòa quyện tuyệt đẹp, khiến dân yêu, dân nhớ và khách đến lưu luyến.

Bởi thế, những năm qua, đã có biết bao đoàn khách vui với người dân, hồi hộp đón mùa cá linh cùng người dân ở ĐBSCL. Đắm chìm vào văn hóa sông nước, mỗi vị khách, mà là thứ tập quán văn hóa đã thấm đẫm vào máu thịt người dân. Có được mùa hay không, có được “trời cho” hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố thiên nhiên, bởi những năm gần đây thiên nhiên đã đổi thay.

Mùa nước nổi cũng có phần đổi thay. Nên các bậc cao niên sống ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu cũng đang thật sự lo lắng. Nói gì thì nói, con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên, nhưng lại có thể tác động rất lớn vào thiên nhiên.

Mùa nước nổi bao giờ cũng đem lại sự bình yên. Bởi mỗi khi nước rút đi đều để lại lớp phù sa tuyệt vời. Đó là lớp phù sa, sẽ lại tiếp tục nuôi nấng cho các loại cây trồng lớn lên, để cùng giúp cho những miệt quê, miệt đồng cuộc sống no ấm.